Mô hình nuôi gà nòi Bến Tre: Sự kết hợp độc đáo giữa chất lượng và giá trị thương phẩm
Độc đáo mô hình nuôi gà nòi Bến Tre: Sự lao động và tương tác tự nhiên của đàn gà nòi Bến Tre
“Giống gà này nhạy cảm chứ không dễ gần như các giống gà khác, thấy người lạ nó sợ, bay loạn xạ. Bắt khó lắm, tối nó bay lên đậu kín cành điều ngủ. Cỡ này bắt đầu bán lai rai. Lái họ vào tận nơi lấy chứ không phải mang ra chợ như mấy giống gà nuôi trại khác. Lái mua vài chục con thì đi xe máy, lấy vài trăm thì đi ô tô. Khoảng 1 tháng là bán hết”, chị Thảo cho biết.
Khu vườn nuôi gà của gia đình chị Thảo rộng 1,5ha, vốn là vườn điều, những cây điều hơn chục năm tuổi, cành lá sum xuê. Ngoài ra, chị trồng khá nhiều cây đinh lăng. Đàn gà ngoài tự kiếm thức ăn trong vườn, chúng còn “vặt trụi” lá đinh lăng. Có lẽ do ăn lá đinh lăng mà gà của chị Thảo cho thịt thơm ngon hơn, được lái chuộng hơn? “Lá đinh lăng là vị thuốc, tốt cho người thì dĩ nhiên là cũng tốt cho gà chứ. Vừa giảm thức ăn, vừa giúp gà có sức đề kháng tốt hơn. Giống gà này chẳng khác gì gà ri, ăn lá, cỏ, trái điều, rồi bươi đất tìm côn trùng. Còn thức ăn thì chỉ có lúa, ngô, nên thịt rất chắc. Thêm nữa là gà không cắt mỏ, mẫu mã đẹp nên lái họ chuộng hơn”, anh Lê Văn Thanh, chồng chị Thảo nói.
Ngoài thức ăn tự nhiên ngoài vườn, anh Thanh cũng đầu tư một khu chuồng để úm gà con khá bài bản với nền rải vỏ trấu, máng ăn, uống tự động. Sau khi tiêm vắc xin đầy đủ, gà cứng cáp, anh mở cửa chuồng cho đàn gà tự do ra vào. “Lúc mưa gió, có nhóm chạy vào chuồng trú, nhóm rúc lùm cây, nhiều con chẳng thèm trú”, anh Thanh nói.
Chị Thảo cho biết, cách nuôi này khá nhàn, mỗi ngày cho gà ăn 3 lần vào buổi sáng, 14 giờ chiều và trước khi đàn gà đi ngủ. Thức ăn là cám trộn ngô nghiền, ngô hạt. “Ở đây cách xa khu dân cư, lại nuôi kiểu thả vườn, nên đàn gà rất ít bệnh. Tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Phần lớn gà chết là do mổ nhau chứ không phải bệnh dịch”, anh Thanh nói.
“Tại sao anh chị lại chọn nuôi giống gà này mà không phải các giống khác?”, tôi hỏi. “Tôi đã nuôi qua một số giống gà rồi, thấy giống gà nòi Bến Tre này có nhiều ưu điểm hơn so với các giống gà khác nuôi kiểu công nghiệp hay bán thả vườn. Mặc dù thời gian nuôi lâu hơn 1 chút, nhưng bù lại giống gà này rất khoẻ, thịt ngon, đầu ra, giá ổn định và nhỉnh hơn các giống gà khác nên nuôi giống này vẫn có lợi”, chị Thảo nói.
Với diện tích 1,5ha vườn, hiện tại gia đình chị Thảo đang thả nuôi 2.200 con. Chị Thảo cho biết, chi phí bao gồm con giống, thuốc men và thức ăn cho 1 con gà nòi Bến Tre khoảng 120 ngàn đồng. Nuôi trong thời gian khoảng 4 tháng, với trọng lượng bình quân từ 2 đến 2,5kg. Với giá bán bình quân từ 85-90 ngàn đồng/1kg, cứ 1 ngàn con chị có lãi khoảng 50 triệu đồng.
Với chu kỳ 4 tháng 1 lứa, nếu nuôi liên tục, 1 năm có thể được 3 lứa, tuy nhiên, chị Thảo không làm vậy. Lý do chị đưa ra là nuôi liên tục một chỗ khiến gà dễ bệnh, chậm lớn hơn vì nguồn thức ăn tự nhiên không có. Vì thế, chị nuôi “luân phiên” ở 2 địa điểm.
“Tôi còn 1,7ha đất vườn ngay chỗ nhà ở, cũng nuôi gà. Nếu cả 2 chỗ cùng nuôi liên tục thì một năm có thể nuôi 3 lứa, mỗi lứa khoảng 4 ngàn con. Tổng cộng 12 ngàn con, như vậy có thể kiếm mỗi năm nửa tỷ đồng lợi nhuận. Nhưng tôi không làm vậy, vì kinh nghiệm cho thấy, nuôi liên tục 1 điểm, gà chậm lớn, dễ bệnh, rủi ro cao. Cho nên, tôi nuôi 1 lứa ở đây, xuất bán xong lại ngưng, lứa tiếp theo nuôi ở vườn nhà. Nuôi cách thời gian như vậy có nhiều ưu điểm, gà khoẻ hơn, ít bệnh tật hơn, nhiều thức ăn trong vườn hơn. Với lại, vợ chồng tôi ngoài nuôi gà, còn nuôi dê, làm vườn”, chị Thảo nói.