Làm chơi ăn thật
Thành công đến từ việc nuôi gà nòi của anh Bấu
Sự trở về quê hương đưa anh Bấu tới ngành nuôi gà nòi
“Nhà có 2 anh em, tôi đi làm ở Sài Gòn, còn thằng em ở nhà với ba mẹ nên tôi yên tâm lập nghiệp ở đất khách quê người. Năm 2019, bất ngờ thằng em bị bệnh, mất, tôi quay về quê đưa tang em. Nhìn thấy sự hẫng hụt của các đấng sinh thành trước sự mất mát quá lớn, xong tang lễ tôi không đành lòng quay lại Sài Gòn, quyết định ở nhà kiếm việc làm để gần gũi, chăm sóc ba mẹ”, Bấu bộc bạch.
Với lợi thế nhà có vườn đất rộng, nên ban đầu Bấu nuôi gà rừng và gà cảnh để tạo sinh kế, mức thu nhập từ gà rừng và gà cảnh khi ấy cũng ngang bằng lương tháng như khi Bấu còn làm việc tại Sài Gòn. Phấn khởi không gì bằng. Bởi ở quê sinh hoạt không đắt đỏ như đất thị thành, lại được gần gũi với gia đình, mà có mức thu nhập cao như khi còn làm việc ở Sài Gòn khiến Bấu càng quyết tâm bám trụ quê hương để làm ăn.
Huyện Tây Sơn là vùng đất có giống gà nòi hay nức tiếng Bình Định. Giống gà nòi Tây Sơn được lưu truyền từ thời Tây Sơn tam kiệt, gắn với giai thoại bài võ Hùng kê quyền mà theo tương truyền là do Nguyễn Lữ, người em út trong ba anh em nhà Tây Sơn sáng tạo. Nhiều thế hệ người chơi gà nòi ở Tây Sơn nối tiếp nhau cất công nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, để bây giờ vùng đất trung du này mới có cái nghề khá độc đáo là nuôi gà nòi cung cấp cho người chơi khắp cả nước.
Hầu hết các đấng mày râu ở Tây Sơn đều rành chơi gà nòi, Bấu cũng không ngoại lệ. Giao lưu với giới chơi gà nòi nhiều, Bấu bỗng mê gà nòi khi nào chẳng hay. Ban đầu, Bấu lấy dòng gà mái của cha mình giữ giống từ bao đời nay gầy nuôi. Khi gà sinh sản ra nhiều, Bấu bắt đầu rao bán. Dường như Bấu có duyên với gà, nên gà nòi anh nuôi được người chơi ưa chuộng vì có đòn độc. Tiếng lành đồn xa, giới chơi gà nòi truyền tai nhau, từ đó Bấu liên tục nhận được những cuộc điện thoại mua gà. Sự nghiệp gà nòi của Bấu phất lên từ đó.
Theo Bấu, điểm đặc biệt của gà nòi là khi bán, giá con gà do người nuôi quyết định, chứ thị trường và người mua không thể can thiệp. Người nuôi cảm nhận được con gà ấy tài năng cỡ nào qua cách nhìn tướng gà là người nuôi ra giá, người chơi ưng bụng thì mua, nên người nuôi gà nòi có lợi nhuận cao. Giá gà nòi không tính theo cân lạng của con gà, mà tùy thuộc vào tài năng của nó. Ngoài dòng gà của gia đình, Bấu còn săn lùng những con mái “độc” ở khắp nơi về gầy, khi ấy Bấu có trong tay hơn 20 gà mái.
Mỗi năm bỏ “hầu bao” 1 tỷ đồng tiền lãi
Tham quan khu nuôi gà nòi của anh Bấu, chúng tôi không thể không ngưỡng mộ khu “chung cư” có 3 dãy ô chuồng được Bấu xây dựng kiên cố để gà nòi sinh sống. Mỗi dãy “chung cư” có hơn 30 ô chuồng, mỗi ô chuồng được Bấu đánh số trông như “số nhà” những “căn hộ” nằm thẳng tắp dành cho lũ gà choai.
Trong khuôn viên mỗi “căn hộ”, Bấu xây dựng sâu bên trong là căn nhà gạch, có chiều ngang 1m, cao 1,2m, mái lợp ngói; phía trước là rông lưới để gà đi dạo có chiều ngang 1,2m, cao 2m. Đó là chưa kể hàng trăm con gà chiến, mỗi con được nhốt riêng trong 1 cái giỏ được để đầy sân, chật vườn.
“Gà con sau khi nở cũng có khu nuôi úm riêng. Sau khi chọn riêng gà cồ (gà trống), giai đoạn từ 1 – 7 tháng tuổi, gà được đưa ra chuồng có sân cát để vận động. Lớn hơn chút nữa những chú gà được đưa ra khu nuôi rộng để đi lại nhằm phát triển gân cơ. Khi gà gáy tranh bầy là lúc ấy gà đã trưởng thành, đã đến lúc gà muốn đá thì được tách ra nuôi riêng trong giỏ”, anh Thái Bửu Bấu chia sẻ.
Hiện nay, ngoài những chú gà chiến bán cho người có thú chơi gà nòi trong cả nước, Bấu còn có thu nhập thêm từ những con gà đã bị loại. Bấu ví dụ: Khi chọn ra 100 con gà cồ nuôi để cung cấp cho giới chơi gà nòi để đá, trong đó chỉ khoảng 60 – 70% đạt chuẩn về màu lông, mỏ, đầu, lưng, cánh, đùi, giò cẳng, vảy vi; 30 – 40% không hội đủ những tiêu chuẩn kể trên nên bị loại ra, liệt vào nhóm “gà phu” chuyên chịu đòn để những chú gà chiến tập luyện.
“Đến thời điểm, tôi ráp 1 con gà chiến được tuyển với 1 con “gà phu” thành 1 cặp để đấu với nhau, nhằm huấn luyện đòn đá cho chú gà chiến để chuẩn bị cho nó ra đấu trường. Nếu để 2 con gà chiến đấu với nhau thì chắc chắn sẽ bị hư 1 con, phí lắm. Sau khi đóng vai “bao cát” cho con gà chiến tập đòn, con “gà phu” sẽ được bán thịt với cái giá luôn cao hơn giá gà thương phẩm. 1 con gà nòi trưởng thành có trọng lượng từ 2,8kg đến 3,4kg/con, người tiêu dùng mua gà nòi về ăn thịt rất mạnh, nhất là các quán “đặc sản gà nòi”, nên có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”, Bấu cho hay.
Khoảng từ tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán, đàn gà chiến trong trại nuôi của anh Bấu phải có đến 400 – 500 con, bán dần đến hiện nay còn khoảng 150 con. Bây giờ đang vào mùa gió Nam, gà sẽ bức lông, nếu không bán gà sẽ rớt hết lông. Qua mùa gió Nam anh Bấu sẽ gầy lại bầy gà chiến để chuẩn bị cho vụ tết năm sau. Hiện nay, 1 con gà con khoảng 40 ngày tuổi, có trọng lượng khoảng 3 lạng anh Bấu bán 150.000 đồng/con, mỗi năm bán khoảng 1.000 con; còn gà chiến mỗi năm bán 400 – 500 con, con cao tiền nhất 50 triệu đồng/con, con thấp nhất cũng 15 triệu đồng/con.
“Khách hàng cũng mua mạnh gà giò nhưng tôi không bán, tiếc lắm, vì trong đám gà giò sẽ có những con gà chiến đạt yêu cầu, thà nuôi lớn tuyển ra bán gà chiến. Gà 11 tháng tuổi mở mỏ lần thứ 2 là biết nó giỏi dở thế nào rồi, biết nó đáng giá bao nhiêu luôn. Hiện nay, gà nòi của tôi bán đi khắp cả nước, nhưng mạnh nhất là miền Bắc, thị trường này chiếm đến 70% số lượng gà tôi bán ra hàng năm. Hiện nay, mỗi năm tôi có doanh thu từ gà nòi gần 2 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1 tỷ đồng.